• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nhà khoa học vũ trụ thiên tài Stephen Hawking qua đời ở tuổi 76

Theo tin từ gia đình, nhà vật lý lý thuyết và khoa học vũ trụ thiên tài Stephen Hawking đã qua đời tại nhà riêng ở Cambridge vào ngày 14 tháng 3 năm 2018.

Trong một thông cáo, các con của ông, Lucy, Robert và Tim, cho biết: "Chúng tôi vô cùng thương tiếc thông báo rằng, người cha yêu quý của chúng tôi đã qua đời hôm nay. Ông ấy là một nhà khoa học vĩ đại và là một người đàn ông phi thường. Di sản của ông ấy sẽ sống mãi trong lòng mọi người cho đến nhiều năm sau này."    

"Sự dũng cảm và kiên định, cùng với trí tuệ và sự hài hước của ông đã truyền cảm hứng cho nhiều người trên khắp thế giới. Ông từng nói: 'Vũ trụ sẽ không có ý nghĩa gì nếu đó không phải nhà của những người bạn yêu thương'.

Chúng tôi sẽ nhớ ông... mãi mãi ".

tapchithoidai stephen hawking

Nhà khoa học vũ trụ nổi tiếng Stephen Hawking qua đời ở tuổi 76.

Stephen Hawking, tên đầy đủ là Stephen William Hawking sinh ngày 8/1/1942 tại Oxford. Trước khi chuyển đến Cambridge để học bậc sau đại học về vũ trụ học, ông đã có được tấm bằng vật lý danh giá ở Oxford.

Là một thiếu niên ham thích những trò vận động như cưỡi ngựa hay chèo thuyền, nhưng số phận lại khiến ông trở nên một người tật nguyền. Thời điểm ông sắp cưới Jane, cô vợ đầu tiên vào năm 1964, cũng là lúc ông nhận được tin mình chỉ còn sống trong hai năm nữa. Nhưng, vượt qua tất cả, ông có ba đứa con với Jane và sống thêm đến mãi hôm nay.

Không may mắc chứng bệnh về thần kinh vận động liên quan tới hội chứng teo cơ khiến ông vĩnh viễn mất đi khả năng di chuyển và chỉ có thể giao tiếp thông qua thiết bị hỗ trợ phát giọng nói. Nhưng không vì thế mà bỏ cuộc, Stephen Hawking tiếp tục theo đuổi sự nghiệp khoa học và đạt được những thành tựu lớn.

“Dẫu cho những đám mây đen đang treo ở tương lai, tôi muốn được tận hưởng cuộc sống nhiều hơn bao giờ hết. Tôi đã nỗ lực và có được nhiều tiến bộ trong việc nghiên cứu. Mục tiêu của tôi rất đơn giản, tôi mong muốn có được hiểu biết đầy đủ về vũ trụ, tại sao nó lại như vậy và tại sao nó lại tồn tại,” ông cho biết khi chính thức bắt tay vào sự nghiệp nghiên cứu nghiêm túc.

Bước đột phá lớn đầu tiên của Hawking là vào năm 1970, khi ông cùng Roger Penrose ứng dụng toán học của hố đen vào toàn bộ vũ trụ và tìm thấy một điểm dị thường, một vùng có độ cong vô hạn trong không-thời gian, nằm trong quá khứ xa xôi: một điểm đến từ Vụ Nổ Lớn. Hawking phát hiện một hiện tượng mà ngày nay chúng ta gọi là Bức xạ Hawking, nơi mà hố đen rò rỉ năng lượng và biến mất thành hư không.

Năm 1988, ông hoàn thành cuốn sách Lược sử thời gian – cẩm nang bỏ túi cho mọi người về vũ trụ học. Lược sử thời gian đứng trong danh sách bán chạy nhất của Sunday Times trong thời gian kỷ lục 237 tuần.

Năm 2001, một lần nữa ông lại được truyền thông săn đón khi đang là Giáo sư Toán học tại Đại học Cambridge, ông xuất bản cuốn sách thứ hai của mình: Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ.

Năm 2007, ông trở thành người tàn tật đầu tiên thả mình trong không gian không trọng lực, trong một chiếc máy bay mô phỏng môi trường không trọng lực. Ông cho biết điều này khiến ông quan tâm đến du lịch vũ trụ.

Stephen Hawking cũng là một trong những nhà khoa học thường xuyên lên tiếng về các vấn đề chính trị xã hội.

Ông cho rằng, loài người sẽ không có tương lai nếu không đi vào không gian. “Tôi nhận thấy rằng cuộc sống trên Trái Đất ngày càng có nguy cơ cao bị xóa sổ bởi một thảm họa nào đó như chiến tranh hạt nhân, virus gây biến đổi gen, hoặc nhiều mối nguy hiểm tiềm tàng khác", ông cảnh báo.

Ông đánh giá nhờ sự phát triển của công nghệ, mọi khía cạnh của cuộc sống đều chứng kiến những biến đổi nhưng đến trình độ có thể phát triển trí tuệ nhân tạo thì công nghệ lúc này thực sự không chỉ là cơ hội mà là cả những thách thức mới. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng thời kỳ của trí tuệ nhân tạo có thể sẽ là thời kỳ tốt đẹp nhất nhưng cũng có thể là tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại.

Nhà khoa học vũ trụ thiên tài Stephen Hawking qua đời ở tuổi 76 - 2

Stephen Hawking không chỉ được kính phục vì trí tuệ uyên bác mà còn nhờ nghị lực phi thường, vượt qua bệnh tật để vươn lên thành nhà vật lý thiên văn hàng đầu thế giới.

Vì những cống hiến của mình cho khoa học, ông nhận nhiều vinh dự khác nhau, trong đó có Huân chương Tự do Tổng thống, Giải Wolf, là thành viên của Hội Nghệ thuật Hoàng gia và Viện Hàn lâm Khoa học Giáo hoàng. Năm 2002, Hawking được xếp đứng thứ 25 trong cuộc bình chọn 100 người Anh vĩ đại nhất của BBC.

Sự ra đi của Hawking không chỉ là một tin buồn đối với giới khoa học mà còn cả những người quan tâm đến vật lý và vũ trụ học. Ông sẽ mãi là nguồn cảm hứng cho những người không để sự khắc nghiệt của cuộc sống ngăn cản họ theo đuổi đam mê.

Theo Khampha.vn/BBC