• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bóng đá Ý đánh mất mình vì hàng loạt bê bối

Trước đây, bóng đá Italia thường vươn lên mạnh mẽ sau những rắc rối nhưng vào lúc này, cuộc khủng hoảng lan rộng đang khiến bóng đá Italia đứng trên bờ vực sụp đổ.

Không trả nổi khoản nợ hơn 20 triệu euro, Câu lạc bộ (CLB) Parma đã chính thức tuyên bố phá sản. Cùng thời điểm, Chủ tịch Antonio Pulvirenti của CLB Catania cùng 6 người khác bị bắt vì nghi án bán độ. Một lần nữa, bóng đá Italia lại chìm trong bê bối, khi họ vẫn đang chật vật khôi phục vị thế của mình ở đấu trường quốc tế.

Vinh quang trong ký ức

Cách đây hơn 2 thập kỷ, Serie A là điểm đến của những ngôi sao hàng đầu thế giới. Giải vô địch quốc gia Italia khi ấy được coi là giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, khi bất cứ đội bóng nào cũng sở hữu nhiều siêu sao.

Trong số này, Parma là một thế lực đáng gờm khi họ nằm trong nhóm “7 chị em” cùng với Juventus, AC Milan, Inter Milan, AS Roma, Lazio và Fiorentina.

Bong da Y chao dao vi ban do, vo no

Thời cực thịnh, Parma đã 3 lần đoạt cúp châu Âu với những ngôi sao trong đội hình. Nhưng bây giờ, họ đã phá sản vì không trả được món nợ hơn 20 triệu euro. Ảnh: I .T

Chưa từng đăng quang tại Serie A, nhưng Parma lại rất mạnh tại các cúp châu Âu khi 2 lần giành Cúp UEFA và một lần vô địch Cúp C2. Ở thời điểm thăng hoa nhất, đội hình Parma có hàng loạt anh tài mà cả thế giới biết tên như Buffon, Veron, Cannavaro, Crespo, Thuram...

Nhưng những ngày vui ấy giờ chỉ còn trong ký ức. Parma từ khi trở lại Serie A 6 năm qua luôn thấp thỏm với những khoản nợ. Kết thúc mùa 2013-2014, Parma giành quyền dự Europa League nhưng sau đó bị tước quyền vì không đáp ứng được yêu cầu tài chính của Liên đoàn Bóng đá châu Âu. Trong mùa 2014-2015, Parma không có lương để trả cho các cầu thủ. Thậm chí, trong một vài trận đấu sân khách, cầu thủ còn phải tự lo phương tiện đi lại.

Với vỏn vẹn 19 điểm và vị trí bét bảng tại Serie A mùa 2014-2015, Parma đương nhiên phải xuống Serie B. Nhưng do không trả được nợ, hai lãnh đạo cấp cao của Parma là Angelo Anedda và Alberto Guion đã tuyên bố phá sản. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Parma phải xuống chơi tại Serie D (tương đương giải nghiệp dư) mùa tới. Giờ đây, cái tên Parma chỉ còn trong hoài niệm và sẽ rất khó hy vọng vào việc đội chủ sân Tardini hồi sinh để trở lại với bóng đá đỉnh cao.

Bán độ như mua... mớ rau, con cá

Kết thúc mùa giải vừa qua, Catania chỉ giành được 49 điểm, xếp thứ 15 ở Serie B và chỉ hơn đội phải đá play-off tránh xuống hạng 2 điểm. Các cổ động viên chưa kịp thở phào nhẹ nhõm thì phải đón nhận hung tin: Chủ tịch Pulvirenti bị bắt vì dàn xếp tỉ số. Trang web poliziadistato.it của Italia đã cho biết: “Cảnh sát đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp 7 người với những cáo buộc về việc cố gắng dàn xếp kết quả một số trận đấu tại Serie B để giúp Catania không bị xuống hạng”.

Với những chứng cứ mà cảnh sát thu thập được, khả năng ông Pulvirenti nhúng tay dàn xếp tỉ số gần như chắc chắn 100%. Nếu không có gì thay đổi, Catania sẽ bị đánh tụt hạng. Thực tế, trong bóng đá Italia hàng chục năm qua, việc bán độ đã không còn là chuyện lạ lẫm nữa. Mới hơn 1 tháng trước, cảnh sát Italia đã điều tra vụ hơn 50 người có dính dáng đến việc dàn xếp tỉ số của nhiều trận đấu ở hạng bán chuyên nghiệp.

Trước đây, bóng đá Italia thường vươn lên mạnh mẽ sau những rắc rối nói trên, điển hình là đội tuyển quốc gia Italia 2 lần vô địch thế giới vào năm 1982 (vụ Totonero) và 2006 (vụ Calciopoli). Nhưng vào lúc này, cuộc khủng hoảng lan rộng đang khiến bóng đá Italia điêu đứng. Serie A từ lâu đã không còn sức hút với các ngôi sao. Mùa vừa qua, Juventus vào chung kết Champions League, Napoli vào bán kết Europa League, nhưng có một sự thực không thể phủ nhận là Serie A đang ở một khoảng cách khá xa so với La Liga, Bundesliga hay giải ngoại hạng Anh. Những người Italia hoài cổ vẫn mơ về một thời rực lửa của Calcio. Nhưng chắc chắn họ không thể phục sinh dựa trên việc bán độ hay tuyên bố phá sản.

Đầu tháng 6, Parma nỗ lực để được xoá 17,2 triệu euro nợ lương và 5 triệu euro tiền thuế liên quan nhằm có điều kiện dự Serie B mùa 2015-2016. Nhưng sau đó, không có cá nhân, tổ chức nào đồng ý mua lại đội bóng để giải quyết rốt ráo nợ nần nên Parma đành tuyên bố phá sản.

Theo Danviet.vn