• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

3 áp lực của nhà mốt Việt mùa dịch

Doanh thu 0 đồng, tiền mặt bằng đắt đỏ, băn khoăn về nhu cầu của khách hàng sau dịch Covid-19 khiến các nhà mốt Việt stress.

Doanh thu 0 đồng

Không có doanh thu là tình trạng chung của các nhà thiết kế trong hơn 3 tháng giãn cách xã hội. Giữa mùa dịch Covid-19, nhiều khoản chi được người tiêu dùng cắt bỏ, trong đó thời trang cao cấp, váy áo thiết kế là hạng mục bị loại đầu tiên. Hầu hết mọi người tập trung mua lương thực - thực phẩm, thuốc và các nhu yếu phẩm.

Ảnh hưởng của dịch khiến việc kinh doanh của nhiều nhà thiết kế như Thuận Việt, Lê Thanh Hoà, Lê Ngọc Lâm, Vũ Ngọc và Son, Ivan Trần... đều ảm đạm.

3 ap luc cua nha mot viet mua dich toancanhbaochi

Đầu năm 2021, 'Fashion Voyage 3' là hoạt động sôi nổi nhất của làng mốt Việt.

Trả tiền mặt bằng, hỗ trợ lương nhân viên

Nguồn thu không có nhưng các nhà thiết kế Việt vẫn phải mất nhiều khoản chi, tốn kém nhất là tiền thuê mặt bằng. Showroom thời trang hầu hết được đặt tại những vị trí đắt đỏ trên những trục đường tấp nập giữa thành phố lớn. Riêng tiền mặt bằng đã tiêu tốn vài nghìn đến vài chục nghìn đô. Áp lực về việc cân đối tài chính đè nặng trên vai các nhà thiết kế như Công Trí, Thuỷ Nguyễn, Lâm Gia Khang, Lê Thanh Hoà...

Vũ Ngọc và Son chia sẻ: "Cửa hàng thời trang của chúng tôi nằm ngay ngã tư Lê Thánh Tôn - Pasteur, khu vực có giá thuê mặt bằng rất cao vì ở ngay trung tâm quận 1. Trước khi chưa có dịch bệnh, ngoài những khách hàng cố định chúng tôi luôn có lượng khách du lịch trong và ngoài nước để đảm bảo thu nhập. Nhưng khi dịch Covid-19 xảy ra, để duy trì cửa hàng với lượng chi phí lớn là một trong những khó khăn về bài toán kinh tế".

Bên cạnh chi phí mặt bằng, các thương hiệu vẫn phải dành một khoản không nhỏ phụ cấp cho nhân viên trong mùa dịch. Mỗi nhà mốt đều có những chính sách riêng để chăm lo cho đời sống nhân viên. Việc làm này vừa thể hiện trách nhiệm của người quản lý vừa giữ được thợ tay nghề giỏi, có tâm huyết và góp phần tạo nên giá trị thương hiệu cho nhà mốt.

Nhà thiết kế Thuận Việt cho biết: "Những tháng giãn cách do dịch, cửa hàng ngừng họat động nhưng tôi vẫn luôn động viên nhân viên và hỗ trợ lương cơ bản đầy đủ. Tôi luôn tâm niệm 'trong nguy có cơ', do vậy chúng ta hãy lạc quan nhìn vấn đề ở góc độ tích cực thì mọi thứ vẫn tốt đẹp".

Nhà thiết kế áo dài Thuận Việt.

Nhà thiết kế áo dài Thuận Việt.

Nỗi lo hậu Covid-19

Một số nhà thiết kế nhận định, dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của đa số khách hàng, dẫn đến thói quen mua sắm của họ thay đổi rất nhiều so với những năm trước. Dòng thời trang cao cấp, trang phục thiết kế có thể sẽ không được quan tâm như thời điểm "hội chị em" làm ăn khá giả. Tìm hiểu nhu cầu và thị hiếu của khách hàng sau đại dịch là điều khiến nhiều nhà thiết kế Việt đau đầu.

Sau thời gian dài nguồn thu từ việc kinh doanh thời trang chạm đáy, các nhà mốt Việt hy vọng dịch sớm được đẩy lùi để các showroom hoạt động trở lại. Không tiết lộ cụ thể về hướng đi sau khi hết giãn cách xã hội nhưng nhiều thương hiệu đều có kế hoạch riêng.

Thời điểm này, việc sản xuất bộ sưu tập, tổ chức fashion show được điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế. Một số nhà mốt trẻ hướng đến việc casting và làm digital show, đồng thời lên kế hoạch sản xuất bộ sưu tập Tết để hy vọng "cứu vãn" phần nào doanh thu.

Duy Khánh/ngoisao.net - 24/9/2021

Link nguon: https://ngoisao.net/3-ap-luc-cua-nha-mot-viet-mua-dich-4361043.html