• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Những 'kình ngư' nghiệp dư trên sông Tiền

Trời còn nhọ mặt người, khúc sông Tiền đoạn chảy qua TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã vang giòn những tràng cười sảng khoái lẫn tiếng quẫy đạp nước của hàng chục người già lẫn trẻ nhỏ đang bơi lội.

song hong

Từ sáng sớm, các “kình ngư” nghiệp dư đã ngụp lặn trên sông Tiền, đoạn qua TP. Mỹ Tho để rèn luyện sức khỏe Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Phong trào bơi ở đây đã có từ hàng chục năm trước. Những “kình ngư” nghiệp dư luyện tập bơi lội để nâng cao thể lực, sức khỏe và truyền cảm hứng thể thao cho lớp trẻ.

Bơi 6km, chuyện nhỏ!

5g sáng. Mưa lất phất rơi do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Bà Ngô Thị Bạch, 60 tuổi, cũng vừa đạp xe tới. Lục túi bóng để trước giỏ xe, bà lôi ra chiếc đồng hồ treo tường cột vào bờ kè công viên vườn hoa Lạc Hồng, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, hướng mặt ra sông. Sau đó, bà lấy phao tắm quấn ngang bụng, buộc tóc lại cẩn thận rồi đi thẳng ra cầu tàu cũ khởi động. Làm ấm các khớp tay, khớp chân, khớp hông xong bà nhảy ùm xuống nước rồi sải những cánh tay dài bơi ngược hướng về cầu Rạch Miễu. Lúc này đã có khoảng 20 người đang ngụp lặn trên sông theo hướng bà Bạch.

Trên cầu tàu, bà Nguyễn Thị Ngọc, 67 tuổi, ngụ TP Mỹ Tho, cũng đang sửa lại vòng phao quanh bụng chuẩn bị nhảy xuống nước. Bà Ngọc cho biết: “Nhóm bơi của bà Bạch thuộc “nhóm tàu sắt”, còn tụi tui lớn tuổi rồi nên gia nhập “nhóm tàu gỗ” cho an toàn”.

Bà Ngọc giải thích sở dĩ gọi “nhóm tàu sắt” là để chỉ trình độ bơi giỏi của những người trong nhóm này, đồng thời có ý nói điểm đến trong chặng bơi của nhóm là khu neo đậu của những chiếc sà lan sắt dưới dạ cầu Rạch Miễu - cách cầu tàu khoảng 3km. Tức nếu tính chặng đường bơi đi và quay trở là khoảng 6km. Còn “nhóm tàu gỗ” chủ yếu dành cho những người lớn tuổi, bơi gần khu vực cầu tàu.

Nhìn một nhóm bạn trẻ đang đá cầu trên công viên, bà Ngọc kể trước đây bà cũng từng tập đá cầu, đánh tennis, đi bộ vào mỗi sáng như họ. Nhưng khi qua tuổi 60, các khớp bị đau nhức nhiều. Đi hết bệnh viện này đến bệnh viên khác nhưng cứ ngừng thuốc lại bị đau. Một bác sĩ tại TP.HCM đã tư vấn môn thể thao hợp lý nhất cho bà là bơi lội. “Nhưng lúc đó tui chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bơi được vì trước nay chưa từng lội xuống nước huống chi bơi. Hơn nữa tuổi cũng đã cao nên tôi không nghĩ mình sẽ đi học bơi nữa” - bà Ngọc kể lại.

Thế nhưng những lần chạy bộ gần cầu tàu, thấy nhóm bạn già có những người trên 70 tuổi vẫn miệt mài bơi nên bà đã đổi ý. “Cách đây khoảng 4 năm, tôi học một khóa bơi tại hồ bơi Mỹ Tho (TP Mỹ Tho). Học chưa hết khóa thì tui đã bơi được nên xách phao ra sông tắm cho tới giờ” - bà Ngọc cười sảng khoái rồi nhảy chúi xuống nước.

“Bà Ngọc vẫn chưa phải là “kình ngư” lớn tuổi nhất ở đây và càng không phải là người bơi lâu nhất trên dòng sông này” - ông Mười Thời cho biết sau khi hoàn thành một vòng bơi sải trên sông.

Nhìn ánh mắt nhanh nhẹn, những đường nét săn chắc trên cơ thể của ông, khó ai đoán đúng tuổi thật của ông. Dù đã bước qua tuổi 74 nhưng đều đặn mỗi sáng, ông cùng vợ mình đều bơi cả ngàn mét trên sông. Thói quen này được hai vợ chồng ông duy trì đều đặn 30 năm qua.

“Hồi xưa tôi bơi từ bên này sông qua bên kia sông gọn hơ. Giờ vẫn bơi được nhưng có tuổi rồi nên phải giữ sức. Lỡ bơi ra giữa sông rồi bị tăng huyết áp thì khổ” - nhìn qua phía bờ Bến Tre ông nói.

Dòng sông của mọi người

Trong số những người thường xuyên bơi trên sông Tiền, không ít người đã gắn bó cả đời với dòng sông này. “Những lúc đắm mình trên dòng sông, những kỷ niệm tuổi thơ lại ùa về khiến tôi có cảm giác như trẻ trung hơn” - ông Hoàng Sang (ngụ TP Mỹ Tho) chia sẻ.

Ông Sang không nhớ rõ mình biết bơi từ khi nào. Chỉ biết khi nhớ lại thời còn “cởi trần tắm mưa” ông đã tắm sông cùng lũ bạn. Gần 60 tuổi nhưng ông tự nhận mình là người ít bị bệnh vặt và chưa xuất hiện các biểu hiện lão hóa.

Vợ ông, bà Nguyễn Thị Hoài Nhân, cũng bị “nhiễm” đam mê từ chồng nên cách đây khoảng 3 năm đã nhờ đứa con trai của mình dạy bơi. Chỉ trong một thời gian ngắn, bà đã có thể tách chồng ra để bơi một mình. Gia đình ông Sang, bà Nhân có năm người thì hết thảy đều tập thể dục trên sông.

Đối với những đứa trẻ bán vé số ở TP Mỹ Tho, sông Tiền được xem là “hồ bơi miễn vé”. Cứ mỗi chiều sau một ngày rong ruổi trên khắp các đường phố, ngõ hẻm chúng lại tụ tập về cầu tàu để tắm dưới sự giám sát của những người chạy đò gần đó. Những đứa trẻ này hầu hết bơi rất giỏi.

Tiền, Giàu, Sang... - những đứa trẻ nghèo bán vé số - vẫn đều đặn ngày mang giấc mơ tỉ phú cho vạn người, chiều xuống đắm mình trên dòng sông Tiền như những người khác. Ở “hồ bơi miễn vé” này không có giới hạn về sự giàu nghèo, không phân biệt đẳng cấp, tuổi tác...

Nữ huấn luyện viên nghiệp dư

Ngoài nhóm bơi tại cầu tàu ở công viên vườn hoa Lạc Hồng có từ hàng chục năm trước còn có một nhóm bơi khác mới hình thành tại cồn Tân Long (thuộc TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) nằm giữa sông Tiền. Người tiên phong cho phong trào bơi tại cồn là bà Triệu Thị Nga - 70 tuổi, người gắn liền với phong trào bơi trên sông Tiền hơn 65 năm nay nên hầu như mọi người đều biết đến bà.

Hiện tại bà Nga là HLV nghiệp dư cho những người chưa biết bơi hoặc bơi còn yếu. Ở khu vực mũi cồn hiện có khoảng 20 “kình ngư” mới tập luyện được xem là “đệ tử” của bà Nga. Cứ mỗi buổi sáng khi mặt trời ló lên phía hạ nguồn sông Tiền, mọi người đã quen thuộc với tiếng hô lớn của bà Nga: “Ráng chọn chỗ có nắng mà bơi cho cứng xương nghen chị em...”.

Theo Tuổi trẻ