• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nhìn U22 Việt Nam tung hoành, chợt "lệ rơi" với yêu cầu từ VFF

Thầy trò HLV Hữu Thắng tiếp tục hun đúc niềm tin cho NHM trước thềm SEA Games 29 bằng cách đè bẹp Mokpo City FC 4-1. Nhưng không phải ai cũng vui với chiến thắng tưng bừng ấy.

Mục tiêu cuối cùng của thể thao là gì? Chiến thắng. Vậy mục tiêu mà VFF nhắm đến cho U22 Việt Nam tại SEA Games 29 là gì? Câu trả lời chắc chắn là hơi khó nghe, vì nó không như những gì tất cả các CĐV đang nghĩ và ngược hẳn những gì bầu Đức đã nói.

Sau 28 kỳ SEA Games, bóng đá nam Việt Nam là một trong 5 chủ nhân của tấm HCV nhưng đã từ lần tổ chức... đầu tiên. Ngoài màn đăng quang ấy, Việt Nam không bao giờ được tận hưởng niềm vui chiến thắng nữa. Trong khi đó, Thái Lan đã có 15 tấm HCV. Malaysia có 6. Myanmar dù bị coi thường cũng từng 5 lần lên ngôi cao nhất.

Bóng đá thế giới lâu nay vẫn tồn tại danh xưng không ai muốn nhận: "Vua về nhì". Michael Ballack, Hector Cuper, Atletico tại Champions League hay Hà Lan tại World Cup là những cái tên bị châm biếm nhiều nhất vì liên tục gục ngã trước ngưỡng cửa thiên đường.

Nhưng so với Việt Nam, các đối tượng kể trên chỉ là học trò về khoản đoạt HCB. Tổng cộng, bóng đá nam Việt Nam đã về nhì tới 7 lần tại SEA Games, bỏ xa Singapore (3) hay Thái Lan, Myanmar và Indonesia (cùng 4 lần).

Tính từ cột mốc 1995 trở lại đây, tần suất về nhì của chúng ta là "vô đối" với 5 HCB trên 11 lần tổ chức. Người Việt mình vốn chỉ thích nhất. Từ bánh chưng to nhất, con đường đắt nhất cho đến uống rượu khỏe nhất, số lượng tiến sĩ đông đảo nhất. Xài iPhone cứ phải loại mới nhất, xây tượng đài cứ phải loại to nhất. Riêng trong môn bóng đá lại thích nhì. Lạ lùng thay!!!

Nhìn U22 Việt Nam tung hoành, chợt lệ rơi với yêu cầu từ VFF - Ảnh 1.

U22 Việt Nam đâu có yếu mà cứ "nhẹ nhàng" đặt chỉ tiêu vào Chung kết SEA Games?

Dư luận đã ngán món HCB đến tận họng. Vậy mà trong cuộc họp tổng kết thể thao Việt Nam năm 2016 và đặt ra nhiệm vụ cho năm 2017, đội U22 chỉ nhận nhiệm vụ vào chung kết SEA Games 29. Rồi sau đó, có thể hiểu là nếu nhì tiếp cũng chẳng vấn đề gì (ngoại trừ ông Đoàn Nguyên Đức mất chức).

Tất nhiên ai cũng biết Thái Lan mạnh ra sao, Indonesia thường đem đến cho chúng ta nhiều khó khăn thế nào, Malaysia được đá trên sân nhà, Singapore nhỏ nhưng có võ, chưa kể Philippines thời gian qua cũng tiến bộ.

Tuy nhiên, với những gì đã thể hiện, chẳng lẽ U22 Việt Nam không thể nghĩ đến chức vô địch? Bảo Châu còn dám đấu Flores, Công Phượng há lại sợ Sitthichok Kunnoo?

Trong một năm mà các lứa trẻ của chúng ta gây tiếng vang ở cấp châu lục và thậm chí góp mặt tại World Cup, việc đặt chỉ tiêu vào chung kết SEA Games 29 chẳng khác nào hạ lệnh cho bóng đá Việt Nam phải... đi xuống. Nó tương tự một ông bố sau khi nghe con khoe có điểm 9 liền gật gù: "Tốt lắm, lần sau cố gắng đạt điểm 6".

Với cách làm việc "kín kẽ" của VFF, quyết định tránh nói đến vàng kể ra cũng dễ hiểu. Đặt chỉ tiêu bạc cho an toàn, nhỡ có mệnh hệ gì còn dễ ăn nói. Chứ cứ "nổ" như bầu Đức thì có ngày rách mồm chẳng chơi.

Nhưng nhìn sang các làng cầu xung quanh, hình như ai cũng "to còi" như bầu Đức. Không dừng lại ở việc lớn tiếng thể hiện tham vọng, LĐ bóng đá Malaysia đã thưởng trước ngót 1 triệu USD cho đội U22 chủ nhà như thể đằng nào họ cũng đoạt chức vô địch.

Trước khi vào trận phải hăng hái thế mới mong gặt hái vinh quang. Chứ vừa nghe đến Thái, mọi cái đã bằng hạt kê thì chiến đấu quái gì.

Theo ttvn.vn