• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Công Phượng và ước vọng nối gót Kagawa: Trèo cao có ngã đau?

Khoác áo số 16 ở CLB Mito Hollyhock, Công Phượng được kì vọng sẽ theo chân lớp ‘tiền bối’ và tỏa sáng hơn nữa, tuy nhiên, đó có lẽ là tham vọng hơi quá đà.

Chiều 23/12, cuối cùng bản hợp đồng kí kết hợp tác giữa HAGL và Mito Hollyhock về vụ chuyển nhượng Công Phượng đã chính thức được diễn ra. Giá trị của thương vụ này cũng như mức lương của tiền đạo xứ Nghệ ở CLB mới không được chia sẻ, tuy nhiên, theo nhiều đồn đoán, ‘tân binh’ của Mito nhận được chế độ ưu đãi không hề nhỏ từ đội bóng chủ quản.

Trong buổi lễ, phía Mito Hollyhock cũng khiến khá nhiều người bất ngờ khi giới thiệu số áo ‘lạ hoắc’ dành cho Công Phượng: 16. Lí giải về điều này, chủ tịch phía đội bóng Nhật Bản – Numuto Kunio cho biết: ‘16 là con số may mắn của chúng tôi. Năm 2008, một cầu thủ Hàn Quốc mặc số áo này chơi rất thành công và sau đó đã qua Đức thi đấu. Một cầu thủ khác người Nhật Bản cũng từng gắn bó với số 16 rồi tỏa sáng. Vì vậy, chúng tôi để Công Phượng mặc số áo 16 với nhiều hy vọng’.

Công Phượng chính thức khoác áo Mito Hollyhock 23/12/2015- Bầu Đức hôn Công Phượng

2 cái tên mà ông Kunio nói đến đó là Park Joo-ho và Shinji Kagawa. Park Joo-ho từng khởi nghiệp ở Mito vào năm 2008, anh ra sân cho đội bóng này tổng cộng 24 trận trước khi chuyển sang các đội bóng khác như Kashima Antlers, Jubilo Iwata, Basel, Mainz 05 và nay là Dortmund. Năm 2010, Park Joo-ho được triệu tập vào ĐTQG Hàn Quốc và hiện đang là trụ cột của đội bóng xứ Kim chi.

Kagawa – cựu cầu thủ M.U hồi mới vào nghề cũng từng trải qua 3 mùa giải ở J-League 2 với số áo 16. Trong mùa thăng hoa nhất, cầu thủ này ghi 27 bàn và đưa Cezero Osaka thăng hạng. Tên tuổi của anh từ đó đến nay nổi như cồn ở châu Á, kéo theo cả sự nghiệp thăng hoa bên trời Âu.

Công Phượng và ước vọng nối gót Kagawa: Trèo cao có ngã đau? - Ảnh 1

Câu chuyện về số áo đấu nói trên thực ra nếu không có sự tác động của truyền thông khó có thể nhận được nhiều sự quan tâm đến vậy. Thành tích của mỗi cầu thủ trên sân rõ ràng không phải do yếu tố trang phục quyết định. Vẫn có những kiêng kị, thói quen giúp nhiều ngôi sao thành công, nhưng suy cho cùng, đó chỉ là động lực bên lề để thúc đẩy tinh thần, làm gia tăng sự tự tin cho các cầu thủ.

Ở môi trường bóng đá hiện đại, giàu tính cạnh tranh như Nhật Bản, để thành công, Phượng buộc phải nỗ lực hết mình. Với chiều cao thấp nhất đội (1m68) cộng với việc Mito Hollyhock không thiếu những hảo thủ, xem ra ngôi sao của HAGL sẽ gặp nhiều bất lợi ngay từ việc cạnh tranh 1 suất ra sân chứ chưa nói gì đến việc thể hiện mình.

J-League 2 là giải đấu hội tụ nhiều tài năng trẻ của bóng đá xứ Mặt trời mọc. Trong đội hình U23 Nhật Bản từng đánh bại U23 Việt Nam tại vòng loại giải châu Á hồi đầu năm, có 6 cái tên đang chơi tại đây. Con số này ở Asiad năm ngoái nhỉnh hơn một chút: 7 cầu thủ. Nói thế để thấy rằng, cơ hội học tập, cọ sát và tích lũy kinh nghiệm của Công Phượng ở Nhật Bản là vô cùng rộng mở.

Có điều, với một cầu thủ mới 20 tuổi, chưa từng ra nước ngoài thi đấu, xuất thân ở ‘ao làng’ của bóng đá Thế giới, lại gặp khó trong nhiều vấn đề tại môi trường mới, sợ rằng, ước muốn nối gót Kagawa của Phượng là tham vọng hơi quá đà, theo kiểu ‘dao cùn đòi săn cọp’!

 Theo: Nguoiduatin.vn