• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mua bán và sáp nhập lĩnh vực thực phẩm sạch lên ngôi

Lĩnh vực kinh doanh thực phẩm sạch ngày càng "nóng" và sự cạnh tranh không ngừng gia tăng. Các doanh nghiệp đang không chỉ "so găng" nhau bằng chất lượng, dịch vụ sản phẩm mà còn "đọ" nhau bằng công nghệ và hệ thống phân phối. Chính vì vậy, làn sóng mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực này đang ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng.

Dân số nước ta hơn 93 triệu người, thu nhập ngày càng được cải thiện, cùng với đó là vấn nạn thực phẩm bẩn nên việc người tiêu dùng đang có xu hướng tìm đến các sản phẩm sạch, an toàn với sức khỏe. Đây chính là mảnh đất màu mỡ và là động lực giúp các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước nhanh chân đầu tư, mở rộng thị trường kinh doanh thực phẩm sạch tại Việt Nam. Trong đó, tại thị trường nước ta đã có những tên tuổi như : Vingroup, PAN Group, Massan Group,… Với sự đầu tư bài bản, kỹ lưỡng về công nghệ, quy trình và hệ thống sản xuất các sản phẩm của các doanh nghiệp này không chỉ "sạch" mà còn tạo ra một mô hình 3F (Feed: thức ăn chăn nuôi – Farm: nông trại – Food: thực phẩm). Với mô hình này, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động và khép kín được quy trình sản xuất từ nông trại đến bàn ăn của người tiêu dùng. Và để làm được điều này, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn M&A để đẩy nhanh quá trình này, thậm chí là tiết kiệm chi phí bằng cách tìm mua lại những doanh nghiệp, cửa hàng đang sống dở chết dở.

Tuy nhiên, cơ hội thành công cho các doanh nghiệp khi lựa chọn phương án này trên thực tế lại không cao. Bởi kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm sạch là lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của người tiêu dùng. Việc quá tham vọng, đẩy quá nhanh quá trình mua bán và sáp nhập các doanh nghiệp có thể khiến các doanh nghiệp có những lựa chọn sai và không phù hợp. Chính vì vậy, chương trình CEO – Chìa khóa thành công của VTV1 đã đưa lên sóng chủ đề: “Mua bán sáp nhập – Đi tìm phương thức”  vào ngày 20/11 tới đây để chuyên gia sẽ bàn bạc, mổ xẻ vấn đề và đưa ra giải pháp cho Doanh nghiệp kinh doanh về dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp.

ceo bai22 tapchithoidai

Chị Lưu Vân Trang - Giám đốc Công ty Cổ phần Karta cùng hai chuyên gia Tiến sĩ Lê Thẩm Dương và Ông Nguyễn Hồng Trường trong chương trình CEO – Chìa khóa thành công của VTV1

Theo đó, chương trình đề cập đến vấn đề của một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất và phân phối thực phẩm sạch ra đời cách đây khoảng gần 5 năm. Trong xu thế hội nhập, doanh nghiệp nhận thấy càng ngày sự cạnh tranh trên thị trường càng khốc liệt hơn. Các đối thủ ra đời sau nhưng lại có tiềm lực lớn, có sự am hiểu thị trường, có các bước đi bài bản nên quyết liệt hơn. Nếu doanh nghiệp không có các bước đi đột phá hơn nữa để phát triển kinh doanh và nâng cao khả năng thì nguy cơ thua cuộc rất lớn. Trước tình hình đó, CEO và các cổ đông đã bàn bạc và đồng ý sẽ kêu gọi các đối tác hợp tác theo hình thức mua bán và sáp nhập để tiếp tục phát triển và mở rộng kinh doanh trong bối cảnh vị thế của doanh nghiệp đang tốt. Theo đó, CEO cho rằng: “Hiện nay trên thị trường đang có rất nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch theo kiểu cá nhân hoặc hộ gia đình, công ty nên tập trung mua lại những tài sản xấu, những công ty đang kinh doanh không tốt với giá rẻ để đưa vào hệ thống theo mô hình chuỗi thực phẩm sạch khép kín “từ trang trại đến bàn ăn”. Làm được như vậy doanh nghiệp vừa bảo đảm được chất lượng sản phẩm, có hệ thống cửa hàng của mình rộng khắp”.Tuy nhiên, các cổ đông lại cho rằng: “Tốt nhất nên đàm phán với các cửa hàng này để tiến hành một mô hình kinh doanh các sản phẩm của công ty dưới một thương hiệu và chất lượng tiêu chuẩn sản phẩm đồng nhất (tương tự như franchise). Với mô hình này, công ty sẽ tập trung phát triển thương hiệu và đảm bảo nguồn cung cấp sản phẩm có chất lượng. Còn các cửa hàng kinh doanh dưới hình thức cam kết về giá cả và dịch vụ bán hàng”. Nêu quan điểm về vấn đề này, Chuyên gia Nguyễn Hồng Trường – Phó Chủ tịch Qũy Đầu tư IDG Ventures Vietnam cho rằng: “M&A thắng hay không là DN phải biết chắc chắn rằng chúng ta có gì, muốn cái gì và khi đạt được mục đích thì có tốt hơn hay không? Một chuỗi giá trị đi từ sản xuất, phân phối, bán lẻ đến tiêu thụ đòi hỏi chuyên môn hóa rất cao. Bản chất là ba ngành khác nhau, sản xuất liên quan đến hàng hóa, vật chất; phân phối và bán lẻ là hai mô hình có tính chất dịch vụ. Đặc biệt đi sang lĩnh vực bán lẻ rất rủi ro, cần có chiến thuật nhất định để theo đuổi”. Tiếp nối quan điểm trên, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương – Trưởng khoa Quản trị trường Đại học Ngân hàng TP.HCM nói: “Việc đầu tiên là đánh giá nguồn lực của mình, dựa vào yếu tố là thể lực của công ty bằng trình độ của CEO, trình độ của chủ vốn, bản chất sản phẩm của mình sạch đến mức nào, văn hóa công ty và hoạt động Marketing. Thứ hai là sức kháng cự đối với thị trường, đối thủ, sản phẩm thay, môi trường luật, khủng hoảng kinh tế và môi trường tự nhiên”. Những ý kiến tư vấn của các chuyên gia đã nhận được sự đồng tình của rất nhiều khán giả.

Trong chương trình tuần sau, phát sóng ngày 27/11/2016 vào lúc 10h sáng Chủ nhật, chương trình CEO-Chìa khóa thành công được tài trợ bởi nhãn hàng OTIV sẽ lên sóng với chủ đề “Tái cấu trúc hệ thống – Gia đình hay cổ phần”. Để tham gia góp ý kiến về chủ đề này, hãy truy cập trang facebook fanpage của chương trình www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Để đăng ký tham gia làm người chơi trong chương trình liên hệ theo địa chỉ chiakhoathanhcong@hoanggia.com.vn hoặc số điện thoại : 04.22670444.

Việt Chinh

*Nội dung được thực hiện bởi hoạt động kinh doanh của Trường Sơn Media theo GPKD