• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chuyên gia chỉ những sai lầm khi kinh doanh nhà hàng

Nguyễn Tuấn Anh - đầu bếp kiêm chuyên gia set-up nhà hàng - nói về những lý do khiến việc kinh doanh ẩm thực nhanh chóng thất bại.

"Một vốn bốn lời" là suy nghĩ của nhiều người khi nhắc đến mảng nhà hàng, cà phê. Thậm chí, không ít giới trẻ chọn khởi nghiệp lĩnh vực này khi chưa thực sự hiểu và tích lũy đủ kinh nghiệm. Theo đầu bếp Tuấn Anh: "Kinh doanh nhà hàng là một trong những thử thách lớn, có tính cạnh tranh cao, đòi hỏi sự tận tụy và tỉ mỉ trong từng chi tiết".

tuan anh gat hai nhieu thanh cong

Nguyễn Tuấn Anh gặt hái nhiều thành công trong ngành ẩm thực từ khi còn rất trẻ.

Nguyễn Tuấn Anh sinh năm 1986, hiện là giám đốc Công ty TNHH NTA Food và đồng sáng lập chuỗi ẩm thực Thái Lan. Ở lĩnh vực set-up nhà hàng (sắp xếp, bố trí, cách tổ chức thế nào phù hợp nhất), anh được xem là chuyên gia, có tiếng ở trong nước và hợp tác với nhiều nhà hàng ở Đài Loan, Mỹ, Đức... Suốt 17 năm nỗ lực gầy dựng sự nghiệp, anh thường truyền kiến thức, kỹ năng cho người đam mê kinh doanh ẩm thực.

Theo anh, có nhiều lý do khiến việc kinh doanh thất bại, có cả chủ quan lẫn khách quan:

Không nghiên cứu thị trường mục tiêu

Tuấn Anh quan niệm mở nhà hàng không đơn thuần là "nấu món gì" hay "thực đơn ra sao", mà đòi hỏi chủ quán phải chú tâm nghiên cứu, xác định thị trường lẫn khách hàng mục tiêu.

Khi tiến hành nghiên cứu thị trường, người chủ phải phân tệp thực khách theo độ tuổi, thu nhập hay sở thích. Từ khâu xác định phân khúc khách hàng mục tiêu, họ cần xem xét đặc thù từng nhóm đối tượng mình hướng tới, từ đó mới vạch ra cách thức kinh doanh phù hợp.

"Không nghiên cứu thị trường mục tiêu là lý do đầu tiên khiến bạn thất bại, bởi trên thực tế với tầng lớp xã hội, thu nhập và sở thích khác nhau, không nhà hàng nào đủ sức hấp dẫn tất cả thực khách" Tuấn Anh nói.

Bố trí không gian theo cảm tính

Cách bố trí không gian rất quan trọng, nhưng nhiều người không để tâm điều này. Thống kê cho thấy, khách đi theo đôi chiếm 40-50%, 20% là bốn người trở lên và 30% đi một mình hoặc nhóm ba người. Từ con số trên, chủ nhà hàng cần lên kế hoạch sắp xếp, chọn bàn ghế phù hợp với từng nhóm khách.

Theo Tuấn Anh: "Người làm chủ cần trả lời các câu hỏi sau: cách bài trí có thực sự thuận tiện với khách; thái độ, cái nhìn của người dùng với cách sắp xếp bàn ghế ra sao; ánh sáng có phù hợp với mô hình nhà hàng; khu vực chế biến đã hợp lý chưa?...

Yatts - một trong những nhà hàng mà chuyên gia Tuấn Anh set-up.

Yatts - một trong những nhà hàng mà chuyên gia Tuấn Anh set-up.

Xem nhẹ việc cải thiện chất lượng dịch vụ

Trên mạng xã hội, nhiều người dùng thường nhắc đến những quán "bún mắng", "cháo chửi"... Có nhiều chủ quán nghĩ bản thân sẽ thành công nhờ món ăn ngon, giá hợp lý, mà xem thường việc nâng cao chất lượng phục vụ.

"Đừng chỉ chú ý chất lượng món ăn, hãy mang tới dịch vụ tốt để thu hút lượng khách trung thành", Tuấn Anh nói. Theo anh, cần tập trung đào tạo nhân viên, kiểm soát nhân sự chặt chẽ, tinh tế trong từng chi tiết nhỏ khi phục vụ... để khách có trải nghiệm tốt nhất ngay khi bước chân đến.

Bên cạnh đó, cứ vài tháng, quán nên bổ sung món mới. Cách này giúp thực đơn phong phú, thực khách không thấy nhàm chán.

Chiến dịch marketing chưa hiệu quả

"Điểm chạm" với người dùng là mấu chốt của một chiến dịch marketing hiệu quả. Với lượng nhà hàng mọc lên như nấm hiện nay, không dễ để thực khách nhớ tới một địa chỉ cụ thể. Một số chủ quán vẫn loay hoay với những quảng cáo lẻ tẻ, bài đăng thiếu thu hút, không đầu tư marketing... khiến hình ảnh thương hiệu dần dần phai nhạt trong tâm trí khách, thậm chí còn bị nhầm lẫn với quán khác.

"Nên dành một phần ngân sách, lên chiến lược cụ thể và kết hợp nhiều kênh quảng bá... suốt quá trình kinh doanh", theo Tuấn Anh.

Bên cạnh không gian, nhà hàng cần chú trọng vào chất lượng phục vụ và thực đơn.

Bên cạnh không gian, nhà hàng cần chú trọng vào chất lượng phục vụ và thực đơn.

Hãy "dám khác biệt"

Tuấn Anh cho biết: "Kinh doanh nhà hàng có rất nhiều đối thủ cạnh tranh, nếu không tinh tế tạo khác biệt cho quán của mình, việc kinh doanh sẽ gặp trở ngại và dễ bị người khác đánh bại".

Đơn cử, khi "check-in" trở thành hoạt động yêu thích của giới trẻ, sự độc đáo trong không gian góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, chủ nhà hàng cũng có thể tự tạo khác biệt ở thực đơn, cung cách phục vụ, thậm chí âm nhạc... mang đến trải nghiệm trọn vẹn cho khách.

Tuấn Anh nhắn nhủ người trẻ: "Nếu muốn vững vàng trong kinh doanh nhà hàng, mọi người cần chịu khó học tập ở nhiều môi trường khác nhau, nâng cao kỹ năng, kiến thức từng mô hình. Thành công sẽ không thể đến một sớm, một chiều, mà kinh nghiệm cần được tích lũy và trau dồi thường xuyên".

Theo Ngoisao.net

* Nguồn: https://ngoisao.vnexpress.net/chuyen-gia-chi-nhung-sai-lam-khi-kinh-doanh-nha-hang-4465857.html