• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Sững sờ trước vẻ đẹp 'ngoài hành tinh' chỉ có ở Ethiopia

Tại đất nước Ethiopia xa xôi có một vùng đất sẽ khiến bạn nghĩ ngay đến cảnh tượng ở ngoài Trái Đất.

Dallol là miệng núi lửa phun trào tại phần đất lún Danakil ở Ethiopia. Nó được hình thành trong suốt quá trình phun trào của núi lửa vào năm 1926. Du khách có thể nhận thấy nhiều miệng núi lửa tương tự khác lấm chấm những lớp muối trắng cũng nằm trong khuôn viên núi lửa Dallol. Vùng đất xa xôi này có nhiệt độ trung bình hàng năm là 34 độ C (cao nhất trái đất).

 

Bản phối màu đa sắc này là thành quả của hợp chất muối kali tạo màu bằng sunfua và clorua và oxit. 

Nằm ở khu vực thấp hơn mực nước biển khoảng 48m, Dallol còn được mệnh danh là núi lửa trên cạn thấp nhất thế giới. Cả vùng đất lạ kỳ này phủ một màu đỏ xẫm, pha lẫn màu xanh lá, vàng và trắng của muối, các ao nước và dòng suối khoáng nóng. Dallol có cảnh sắc tương tự như ở suối nước nóng Công viên Yellowstone ở Mỹ nhưng trải rộng trên một diện tích lớn hơn nhiều.

 Dallol trải dài trên một khu vực rộng lớn. 

Kích thước và hình dạng các cấu trúc khoáng của núi lửa Dallol được thay đổi liên tục theo thời gian. Nhìn xa thì trông có vẻ mềm mại và yên bình nhưng khi tới gần thì hoàn toàn ngược lại. Ở dưới lòng đất lúc nào cũng âm ỉ tưởng chừng như muốn trực chờ nổ tung bất cứ lúc nào có thể. Khi mạch nước ngầm chảy sâu xuống lòng đất, gặp nhiệt độ cao và chuyển thành dạng hơi, đến lúc áp suất lên tới đỉnh điểm thì tạo ra một vụ nổ. Đây là cách hành tinh của chúng ta giải phóng năng lượng ẩn sâu bên trong lớp vỏ dày.

Dallol nhuộm màu đỏ bazan. 

Khu vực này vẫn đang âm ỉ hoạt động. 

Gần đây, nhiếp ảnh gia "săn núi lửa" Adrian Rohnfelder đã ghi lại những hình ảnh độc đáo ở khu vực núi lửa của Ethiopia. Andrian đã phải thốt lên: "Không thể tin được - cảnh tượng ở đây thật là siêu thực". 

Nhiếp ảnh gia Adrian Rohnfelder tự gọi mình bằng cái tên "thợ săn núi lửa".  

Andrian phải thốt lên rằng: "Một khu vực rộng lớn được bao phủ bởi những sắc màu rực rỡ - đỏ, cam, vàng, xanh dương, xanh lá và trắng - cảnh tượng mà tôi chưa bao giờ thấy trước đó. Tôi hoàn toàn choáng ngợp và nghĩ rằng đây có lẽ là một nơi nằm ngoài trái đất ở một hành tinh xa xôi nào khác trên dải ngân hà." 

Khu vực miệng núi lửa ở mỏ muối Miocene này được hình thành do mắc ma phun trào và hoạt động của những dòng thủy nhiệt. 

Nhiếp ảnh gia người Đức này bắt đầu niềm đam mê theo đuổi những ngọn núi lửa của mình từ năm 2005. Đặt chân đến khu vực núi lửa Erta Ale và Dallol ở Ethiopia là ước mơ ấp ủ từ lâu của anh. Erta Ale là núi lửa hoạt động vào hàng lâu đời nhất thế giới. Ở đây có hồ dung nham trên đỉnh núi vào hàng hiếm của thế giới

Adrian thực hiện hóa được ước mơ đặt chân lên miệng núi lửa Erta Ale của mình. Anh cho biết: "Núi lửa Erta Ale là một trong những hồ dung nham lâu đời nhất trên trái đất và tất nhiên nó phải đứng trong top đầu danh sách những điểm cần đến của tôi."

Nhiếp ảnh gia người Đức đã ghi lại được khoảnh khắc kì diệu của nham thạch đang sôi rực đỏ bên trong miệng núi lửa.

Chia sẻ về niềm đam mê chụp ảnh núi lửa, Andian nói: "Núi lửa cho tôi cảm nhận được sức mạnh to lớn của thiên nhiên bằng mọi giác quan: những tiếng nổ lớn bên tai, những pha chấn động, nhưng quả bom nham thạch trực phun trào, sức nóng không tưởng, dòng dung nham sôi sùng sục tạo nên cảnh tượng như những chùm pháo hoa bất tận."

Núi lửa Dallol bắt đầu mở cửa cho du khách tham quan từ năm 2001. Dù đã mở cửa nhưng chính phủ Ethiopia vẫn quyết định bảo vệ danh thắng quốc gia bằng cách hạn chế cho lượng du khách vào tham quan. Mỗi năm, khu vực núi lửa Dallol chỉ chào đón khoảng vài trăm lượt khách nước ngoài tới thăm quan. 

Dallol là miệng núi lửa thấp nhất thế giới. 

Cảnh tượng ở đây khiến người ta liên tưởng đến những vùng đất ngoài hành tinh. 

Theo Vntinnhanh.vn