• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Ôtô dùng chìa khóa thông minh - hiểm họa cho người già

Tài xế cao tuổi có thể quên tắt máy khi đỗ trong nhà, dẫn tới ngộ độc khí CO, nặng nhất là tử vong.

James D. Livingston và Sherry H. Penney là hai trong số khoảng 30 người trên khắp thế giới đã tử vong do nhiễm độc khí CO liên quan tới các mẫu xe khởi động không cần chìa khóa (keyless car), theo The New York Times.

Với bà Penney, một cựu hiệu trưởng danh dự của trường đại học, và ông Livingston, một nhà vật lý về hưu, thì chiếc Toyota Avalon đời 2017 là một món hàng nhạy cảm. Đây là mẫu xe mà hai vợ chồng từng sở hữu, nhưng phiên bản mới có các cảm biến điện tử cùng những đặc tính hiện đại khác.

"Chiếc Avalon rất an toàn", Susan Livingston, con gái của hai nạn nhân, từng nghe mẹ mình nói. Nhưng vào tháng 5 vừa qua, một trong những đặc điểm này đã gây tai họa.

Livingston chia khoa thanh cong

Cặp vợ chồng già đã tử vong do nhiễm độc khí CO từ ôtô. Ảnh: The New York Times

Bà Penney và ông Livingston được tìm thấy đã chết trong nhà mình tại Sarasota, bang Florida, do ngạt khí carbon monoxide (CO), theo khám nghiệm ban đầu của các chuyên gia y tế địa phương. Người con gái cho biết, trước khi tai nạn xảy ra, chiếc xe được đưa vào garage nằm ngay trong nhà, và động cơ vẫn chạy. Xe không có chìa khóa cắm, tài xế già vì thế cũng quên thao tác quen thuộc "xoay chìa tắt máy".

Những vụ tử vong gần đây một lần nữa nhấn mạnh về nguy cơ chết người: không phải dùng tới chìa khóa cơ, một số chủ xe, đặc biệt là người lớn tuổi, có thể quên tắt máy ôtô.

Dựa trên một số báo cáo mới đây từ các vụ kiện, cảnh sát và cứu hỏa, cũng như nghiên cứu của các nhóm luật sư, cho thấy ít nhất 36 người đã chết chỉ riêng tại Mỹ trong trường hợp tương tự kể từ 2006. Trong số này, có 7 người đã tử vong trong vòng 6 tháng qua. Hàng chục người khác bị thương, và một số bị tổn thương não.

Cái chết của bà Penney và ông Livingston gây sốc bởi cả hai đều có những thành tích nhất định trong giới học giả và khoa học. Trước khi nghỉ hưu và về sống ở Florida, bà Penney từng là người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm chức hiệu trưởng danh dự của Đại học Massachusetts Boston và giữ những vai trò lãnh đạo khác tại chính trường đại học này cũng như hệ thống đại học New York.

Còn ông Livingston, một chuyên gia về nam châm, đã dành hàng chục năm ở vị trí nhà nghiên cứu tại công ty chế tạo điện tử tiêu dùng General Electric và từng giảng dạy tại Viện Công nghệ Massachusetts. Hai vợ chồng từng hợp tác ra mắt cuốn sách về Martha Wright, một biểu tượng về nữ quyền vào những năm 1800 và chính là cụ cố của ông Livingston.

"Họ là những người rất thông minh", Susan Livingston nói. "Tình huống này có thể xảy ra với bất cứ ai", người phụ nữ này kết luận.

Năm 2011, Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) từng đề xuất một quy định đối với xe khởi động không cần chìa, yêu cầu lắp đặt cảnh báo âm thanh một giây để tài xế tắt máy. Quy định có thể khiến ngành công nghiệp tốn 500.000 USD mỗi năm, theo ước tính. Nhưng sau khi vận động toàn ngành, đề xuất rơi vào quên lãng.

Gần đây, cảnh báo lại được nhắc tới, cung cấp cho các khách hàng một video an toàn về việc sử dụng cũng như nguy cơ tiềm tàng của việc xe dùng chìa thông minh.

Một số mẫu xe kích hoạt âm thanh hoặc đèn cảnh báo bên trong hoặc phía ngoài xe nếu cửa đã đóng trong khi động cơ vẫn chạy. Ví dụ Toyota Avalon được thiết kế phát tiếng kêu một lần trong cabin và ba lần phía bên ngoài trong những tình huống tương tự. Nhưng cái chết của cặp vợ chồng lớn tuổi ở Florida chỉ ra rằng, những dạng cảnh báo này chưa đủ và phù hợp với mọi hoàn cảnh.

"Tôi nghĩ nếu họ mua một chiếc xe khác, họ sẽ sống sót", Susan Livingston nói.

Khi được hỏi, hãng xe Nhật cho biết: "Xe Toyota đạt hoặc vượt mọi tiêu chuẩn an toàn đặt ra".

Khởi động không cần chìa khóa hiện là công nghệ phổ biến trên xe hơi.

Khởi động không cần chìa khóa hiện là công nghệ phổ biến trên xe hơi.

Một cuộc điều tra của The New York Times trong 2018 nhấn mạnh về phạm vi hiểm họa khi khởi động không cần chìa. Không lâu sau, tại một phiên điều trần, Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal đề nghị cơ quan an toàn giao thông đường cao tốc Mỹ thông qua đề xuất và yêu cầu các hãng ôtô làm ra những chiếc xe tự động tắt máy sau một khoảng thời gian chạy không tải. Đầu năm nay, Blumenthal từng đề xuất dự thảo để đưa quy định trên trở thành luật.

Ford và GM từng tuyên bố ủng hộ việc ban hành luật. Một số hãng khác đã thêm tính năng tắt tự động, trong đó đã làm với mọi mẫu xe khởi động không chìa khóa kể từ đời 2015. GM cũng thêm công nghệ này với chi phí 5 USD mỗi xe.

Toyota - thương hiệu mà các mẫu xe có liên quan tới một nửa các vụ tai nạn - từng tuyên bố các mẫu xe khởi động không cần chìa đời 2020 sẽ trang bị tính năng tắt máy tự động.

Hyundai cũng bày tỏ sự ủng hộ và cho biết đã lên kế hoạch cài đặt công nghệ tương tự trên các mẫu xe mới, nhưng không đề cập tới thời điểm cụ thể.

Đại diện của Fiat Chrysler nói rằng hãng đã xem xét đề xuất, nhưng thêm rằng "thống kê cho thấy không có sự vượt trội về những tai nạn như trên nếu so với những mẫu xe dùng hệ thống khởi động bằng chìa xoay thông thường", và rằng "công nghệ tắt máy tự động có thể kéo theo những hệ quả không thể lường trước".

Hiện có hàng triệu ôtô khởi động không cần chìa chạy trên đường. Đặc điểm này cũng là trang bị tiêu chuẩn trên hơn nửa số xe được sản xuất mỗi năm, theo Edmunds.

Theo VnExpress.net