• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bài viết

Lời Cảnh Báo: Giả danh cơ quan chức năng để lừa đảo

Tuần này, chương trình Lời Cảnh Báo tiếp tục cập nhật những vấn đề được quan tâm

trong thời gian gần đây như: Lừa đảo đăng ký chạy marathon trên mạng, Giả danh cơ quan chức năng để lừa đảo.

Lừa đảo đăng ký chạy marathon trên mạng

Từng được coi là cuộc thi thể thao mạo hiểm, giờ đây marathon đã trở thành hiện tượng phổ biến khi không giới hạn độ tuổi, kết nối cộng đồng rất đông người cùng tham gia. Và khi phong trào chạy bộ tăng cao, các giải marathon cũng xuất hiện ngày càng nhiều, song song với sự yêu thích cũng như độ phủ rộng của môn thể thao này thì cũng xuất hiện tình trạng không ít người đăng ký giải chạy marathon qua mạng đã bị các đối tượng xấu lừa đảo. Thủ đoạn các đối tượng này sử dụng là tạo niềm tin với nạn nhân sau đó dẫn dụ nạn nhân thực hiện các nhiệm vụ như mua các món đồ liên quan đến giải chạy, đóng phí cùng cam kết sẽ hoàn trả tiền gốc và tiền chiết khấu hoa hồng rồi chiếm đoạt tài sản.

gia danh co quan chuc nang

Gần đây nhiều trường hợp đã bị lừa với số tiền rất lớn, một nạn nhân ở tỉnh Kontum bị lừa hơn nửa tỉ đồng khi đăng ký giải chạy marathon trên mạng. Cách đó không lâu, hơn 30 tỷ đồng là số tiền mà một nạn nhân khác ở Bình Định đã bị nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt. Trong quá trình đăng ký giải chạy marathon trên mạng xã hội cho con của mình vào mùa hè, tiếp tục có một nạn nhân ở Bình Dương cũng bị lừa đảo chiếm đoạt, nạn nhân kể lại: “Tôi đăng ký cho con tôi tham gia chạy marathon trên 1 fanpage. Đầu tiên họ kêu tôi cung cấp thông tin cá nhân, sau đó chuyển tiền để thực hiện một số nhiệm vụ, họ bảo khi chuyển tiền xong sẽ được hoàn tiền lại và nhận hoa hồng. Tôi đã tin tưởng và chuyển tiền, sau khi chuyển xong tôi có gọi thì họ bảo là sai cú pháp, không nhận được tiền nên tôi đã chuyển thêm 2, 3 nhưng họ vẫn báo là sai cú pháp và lần cuối khi tôi chuyển thêm gần 20 triệu thì tôi không thể liên lạc được với họ”.

TS Lê Huỳnh Bảo Khánh (Trưởng bộ môn Tội phạm học, Trường Đại học Luật TP.HCM) cho biết, hiện nay đánh vào xu hướng rèn luyện thể dục thể thao của người dân thì các đối tượng đã quảng bá những hình thức tham gia chạy marathon ở trên mạng thông qua những đường link đăng ký, việc quảng cáo này xảy ra rầm rộ. Chiêu trò của nhóm người này là người tham gia sẽ phải mua những cái vật dụng, sau một thời gian người tham gia chạy sẽ được trả lại một khoản tiền. Khi người đăng ký nộp một số tiền lớn thì những đối tượng này biến mất không để lại dấu vết.

Luật sư Bùi Trọng Hiển (Giám đốc Công ty Luật Bùi Trọng Hiển) đưa ra lời khuyên cảnh giác đến mọi người: “Không tham gia vào các tổ chức, đơn vị mà không rõ thông tin và khi tham gia phải kiểm tra kỹ các thông tin, tài liệu của đơn vị tổ chức đó. Yêu cầu họ cung cấp các giấy tờ chứng minh quy trình về điều kiện tổ chức của đơn vị đó. Thứ hai là không tham gia vào các hội nhóm trên Zalo, Telegram để thực hiện nhiệm vụ và không thực hiện chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng”.

Theo điều 174 Bộ luật Hình sự, người nào có hành vi chiếm đoạt tài sản từ 2-50 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp quy định trong khoản 1 thì phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Chiếm đoạt tài sản từ 50 triệu đồng trở lên phạt tù từ 2 năm đến chung thân tùy mức độ.

Các giải marathon đã trở thành sân chơi bổ ích, rèn luyện sức khỏe nên thu hút sự quan tâm của nhiều người đặc biệt là giới trẻ. Nếu có nhu cầu đăng ký tham gia chúng ta hãy tìm hiểu thật kỹ thông tin, tránh trở thành nạn nhân của những đối tượng xấu.

Lừa đảo đăng ký chạy marathon trên mạng

Giả danh cơ quan chức năng để lừa đảo

Thời gian vừa qua đã có rất nhiều nạn nhân của các vụ lừa đảo mạo danh cơ quan chức năng. Các đối tượng này luôn có nhiều phương thức thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau, nhất là trên không gian mạng. Cái đối tượng thường đưa ra kịch bản mạo danh trong từng thời điểm khác nhau nhằm dẫn dụ các nạn nhân, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Do có nhu cầu cần gộp sổ bảo hiểm xã hội, chị H.T.B. trú tại tỉnh Lạng Sơn đã lên mạng tìm kiếm dịch vụ làm hồ sơ nhanh, sau đó vào fanpage Facebook có tên “giải đáp thắc mắc bảo hiểm xã hội” để hỏi và được hướng dẫn liên hệ với nhân viên tư vấn qua Zalo có tên N.L. Qua trao đổi, sau khi yêu cầu cung cấp mã số sổ bệnh và thời gian đóng bảo hiểm xã hội, đối tượng này đã hướng dẫn chị B chuyển tiền phí nộp hồ sơ vào số tài khoản ngân hàng chỉ định 2 lần, với số tiền lần lượt là 500.000 đồng và 900.000 đồng. Với mong muốn được giải quyết hồ sơ nhanh chóng, không phải trực tiếp làm các thủ tục và tin tưởng lời giới thiệu của người tư vấn là người của cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam, chị B đã chuyển khoản số tiền trên. Sau khi nộp tiền lần thứ 2 chị B tiếp tục được yêu cầu chuyển tiếp mức phí là 2 triệu đồng. Nghi ngờ mình bị lừa, chị B đã không thực hiện chuyển khoản. Phát hiện bị nghi ngờ, Zalo của chị B liền bị chặn. Cũng với thủ đoạn tương tự, chị N.T.V trú tại tỉnh Hải Dương cũng đã bị lừa hơn 100 triệu đồng.

Ông Trần Dũng Hà (Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP.HCM) cho biết: “Hiện nay có nhiều các đối tượng giả danh cơ quan bảo hiểm xã hội để lừa đảo người dân nhằm chiếm đoạt tiền, thủ đoạn chủ yếu là lợi dụng người dân không hiểu rõ về thủ tục, muốn giải quyết thủ tục nhanh. Các đối tượng này yêu cầu người dân chuyển tiền để giúp hỗ trợ làm nhanh các thủ tục hồ sơ, sau đó chiếm đoạt tiền của người dân”.

Mới đây, Cục An toàn thông tin đã cảnh báo hình thức mạo danh cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, tiếp cận với những người có nhu cầu đi nước ngoài, yêu cầu chuyển tiền để hỗ trợ làm visa. Đồng thời tiếp tục cảnh báo chiêu trò lừa đảo giả danh công an báo lỗi và hướng dẫn cài đặt tài khoản VNEID.

Người dân phải thường xuyên cảnh giác chủ động bảo mật các thông tin cá nhân và phải liên hệ với lực lượng công an khi có nghi ngờ. Người dân không nên lo lắng sợ hãi khi nhận được điện thoại, tin nhắn, các thông tin mà người lạ gửi đến, không bị thu hút bởi những tài sản không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, không chuyển khoản cho người không quen biết. Người dân cần lưu ý, ngoài cảnh sát khu vực đã công khai số điện thoại cho người dân biết, tất cả các cuộc gọi xưng là công an, yêu cầu làm theo hướng dẫn đều là lừa đảo.

Thiếu tá Phạm Hoàng Dũng (Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm Sử dụng Công nghệ cao, Công an Đà Nẵng) khuyến cáo người dân: “Thường xuyên cập nhật thông tin trên các trang mạng, báo đài chính thống để cập nhật được phương thức thủ đoạn lừa đảo mới để có các biện pháp phòng ngừa ngăn chặn hiệu quả. Một số cơ quan chức năng khác sẽ trực tiếp tiếp nhận các đơn tố giác của công dân về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không ủy thác cho đơn vị nào. Đặc biệt không thu bất kỳ khoản phí nào để giúp người dân tìm ra đối tượng lừa đảo hoặc là thu hồi tiền”.

Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư, căn cước công dân, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân lai lịch. Trường hợp mới chuyển tiền, sau đó phát hiện hoặc nghi ngờ bị lừa đảo hãy liên hệ ngay với ngân hàng để được hướng dẫn phong tỏa tài khoản.

Văn Tuyết